Thương mến gửi những người mẹ, những người bạn, những người phụ huynh thân thiết của Me since 1988. Nhiều năm trước đây, trước khi là mẹ của bây giờ, chúng ta đã từng là những đứa trẻ ngây ngô, dễ thương với muôn vàn ước mơ được ấp ủ phải không ạ? Khi nhìn về những ký ức thời thơ bé, có lẽ ai đó trong chúng ta sẽ cố gắng quên đi những nỗi buồn và chỉ giữ lại những niềm vui, niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì có một tuổi thơ tràn ngập tiếng cười, một tuổi thơ gắn liền với mùi khói bếp, mùi đồng ruộng, mùi phân trâu, mùi của bà, mùi cỏ sớm tinh mơ hay là mùi của biển. Có người thì bất chợt đi ngang đâu đó vào một giờ tan ca ngửi được mùi cá kho tộ, mùi khô nướng cũng bất chợt nhớ về ngôi nhà nhỏ thân yêu thuở bé của mình.
Từ khi mới sinh ra cho tới khi 6 tuổi, Montessori nhấn mạnh việc học của trẻ thông qua cả năm giác quan chứ không chỉ nghe, xem hay đọc. Trẻ em trong lớp học Montessori được học theo tốc độ riêng của chúng, và theo sự lựa chọn của riêng trẻ về các hoạt động bất kỳ mà chúng muốn khám phá. Các con không bắt buộc phải ngồi nghe giáo viên hướng dẫn mà có thể tự lựa chọn công việc cá nhân mà con mong muốn với các học liệu được chuẩn bị sẵn mà con đủ tự tin có thể khám phá một mình vì đã được giới thiệu từ trước.
Học tập là một quá trình khám phá thú vị, dẫn dắt trẻ về sự tập trung, thúc đẩy động lực, tự giác và niềm yêu thích học tập. Trên 6 tuổi, trẻ em học cách nghiên cứu độc lập như tự lên kế hoạch các chuyến đi trải nghiệm thực tế để thu thập kiến thức, phỏng vấn các chuyên gia, tạo bài thuyết trình nhóm, làm phim, triễn lãm nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm âm nhạc và các dự án khoa học,… Không có bất kỳ giới hạn nào cho những gì mà trẻ tạo ra khi trao cho trẻ cơ hội tự do được trải nghiệm và khám phá.
Người lớn nên tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, khi trẻ được tự do lựa chọn làm điều chúng yêu thích, chúng sẽ phát huy được sức mạnh tiềm tàng và khi đó sẽ không có thời gian bị lãng phí bởi vì trẻ em sử dụng thời gian giá trị đó để thực hiện các công việc và nghiên cứu về các bài học của mình một cách tập trung và thích thú. Thông qua các bài học, trẻ em sẽ học hỏi lẫn nhau và phần lớn việc học này đến từ sự chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhau thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Tiến sĩ Maria Montessori, người sáng tạo ra “Phương pháp giáo dục Montessori”. Đây là phương pháp được dựa trên hệ thống những quan sát khoa học của bà về hành vi của trẻ nhỏ, của những đứa trẻ mà bà đã chăm sóc ngay từ khi còn rất nhỏ. Bà đã qquan sát thấy những đứa trẻ hấp thụ mọi thứ từ môi trường mà chúng đang sống, và bằng cách sử dụng các vật liệu đặc biệt, bà có thể khơi gợi được mong muốn học hỏi từ bên trong của những đứa trẻ. Bà đã thiết kế một môi trường “được chuẩn bị kỹ càng” để các bé có thể tự do lựa chọn từ một số hoạt động phù hợp với sự phát triển của chúng. Những tài liệu học tập này được trình bày theo các nhóm nhỏ, thường xuyên trên một tấm thảm được trải ra sàn, khuyến khích sự tham gia thực hành cá nhân và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Trẻ em được cho phép một số quyền tự do, độc lập trong một trật tự được thiết lập riêng của phương pháp Montessori.
Kiểm soát lỗi được tích hợp trong các học liệu có thể tự tham tác, tự điều chỉnh mà không cần sự can thiệp từ người lớn. Từ đó, khuyến khích sự tự tin và độc lập ở trẻ. Về cơ bản, mục đích của Phương pháp Montessori là cung cấp một môi trường mà nơi đó các khả năng bẩm sinh của trẻ có thể bộ lộ một cách tự nhiên, khuyến khích sự phát triển nội tại của trẻ, cho phép trẻ đạt được tiềm năng lớn nhất của mình theo một cách riêng biệt mà không giống với bất kỳ ai khác.
Các lớp học Montesori thường nhóm trẻ theo độ tuổi lại với nhau như 0-3, 3-6 hoặc 2.5 – 6, 6-9, 9-12 tuổi, v.v…, Điều này nhằm mục đích hình thành nên các cộng đồng trẻ em, một xã hội thu nhỏ trong môi trường trường học. Trong đó, những trẻ lớn hơn chia sẻ kiến thức một cách tự nhiên với những trẻ nhỏ hơn, trẻ nhỏ hơn nhìn các anh chị lớn hơn để học hỏi và làm theo.
Phương pháp Montessori đại diện cho một phương pháp giáo dục hoàn toàn khác so với những gì chúng ta từng nghĩ. Khi một đứa trẻ tham gia chương trình học này trong chu kỳ ba năm, trẻ sẽ đảm nhận một vai trò nào đó dựa trên độ tuổi và phù hợp với mức độ sẵn sàng với xã hội của mình. Năm đầu tiên, trẻ có thể là bé nhỏ nhất, và sau đó bé ấy tiếp tục chu kỳ, cuối cùng trở thành một “leader” và hướng dẫn cho những trẻ nhỏ hơn cách ứng xử và cũng tham gia vào một số giảng dạy ngang hàng về mặt học thuật với giáo viên. Trẻ em tự nhiên nhìn vào bạn bè của mình để học tập, và khi sự tương tác diễn ra tự nhiên bằng cách để trẻ trộn độ tuổi với nhau trong một môi trường, tất cả những người tham gia đều nhận được lợi ích.
Tuần làm quen rất quan trọng mà trẻ cần tham gia trước khi bắt đầu đi học chính thức.
Thời gian làm quen thường diễn ra trong khoảng 2 tiếng, từ 9:00 – 11:00 hàng ngày.
Trong thời gian làm quen, phụ huynh sẽ được ngồi tại một vị trí được chỉ dẫn bởi giáo viên. Phụ huynh chỉ nên ngồi yên tại vị trí được hướng dẫn và quan sát. Việc có mặt của phụ huynh ở đó là để con có cảm giác an toàn trong môi trường mới, từ đó sẵn sàng hơn trong việc khám phá môi trường mới cùng cô giáo. Từ đó, sẵn sàng hơn trong việc khám phá môi trường mới, giúp bé dần dần trở nên thân thuộc với môi trường và đáng tin hơn trong tâm trí mình. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích cần có giai đoạn làm quen này.
Nếu điều này không được thực hiện, con sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu an toàn, không sẵn sàng khám phá môi trường mới và đồng thời trong tâm trí con sẽ định nghĩa lớp học và cô giáo sẽ là nơi gây nên sự chia rẽ của con với những người thân yêu.
Trong quá trình tương tác và làm quen với trẻ, từ ngày đầu tiên gặp mặt cô giáo sẽ cố gắng tiếp cận bé từ xa và tiến lại gần làm quen với bé một cách nhẹ nhàng, không vồ vập, vội vàng. Cô giáo sẽ chờ cho đến khi con thật sự sẵn sàng thì sẽ bắt đầu những bước tiếp cận mới thân mật hơn. Phụ huynh khi đó cũng không cần nhắc con ra chơi với cô mà hãy nhẹ nhàng ngồi quan sát phản ứng của con và chỉ mỉm cười khuyến khích, đồng thời hạn chế tương tác bằng lời nói với con trong lúc này để con có thể tập trung vào cô giáo nhiều hơn.
Khi cô giáo và phụ huynh thực hiện tốt việc này, con sẽ từ từ chủ động rời khỏi người thân và tiến vào không gian lớp học. Khi con đã chủ động, nghĩa là những điều con quan sát thấy đã được chấp nhận và con đã có những bước đầu bước ra thế giới mới bằng sự kết nối niềm tin và sự an toàn.
Giáo viên Montessori tại Me since 1988 đóng vai trò làm gương và truyền cảm hứng học tập cho trẻ.
Bên cạnh những công việc hằng ngày liên quan đến việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ. Các giáo viên tại Me since 1988 sẽ phân chia vai trò để tương tác, hướng dẫn và giúp trẻ vượt qua các thời kỳ nhạy cảm và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ trong ngày.
Trẻ em trong độ tuổi mầm non đang trong quá trình học hỏi, khám phá và tò mò về mọi thứ xung quanh. Do đó, hành vi của các con cần được hướng dẫn và hỗ trợ rất nhiều để có thể hướng con đến những cách tích cực hơn. Khi đó, vai trò của các giáo viên Việt Nam trong môi trường là vô cùng quan trọng. Các cô sẽ dành thời gian tâm sự và hướng dẫn chi tiết, liên tục.
Trẻ em học hỏi thông qua qua quan sát, khi đó, cô giáo trở thành hình mẫu để các con quan sát và noi theo. Khi có vấn đề xảy ra, cô giáo sẽ ngồi xuống cùng trẻ, kiên nhẫn, tâm sự và phân tích cho con hiểu. Định hướng cho con cách làm khác tích cực hơn khi vấn đề này lại xảy ra lần nữa. Cách tâm sự và hướng dẫn sẽ có sự khác nhau theo từng độ tuổi, nhưng vẫn có công thức chung đó là sự chân thành, ấm áp và yêu thương.