LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI MỘT ĐỨA TRẺ ĐÃ QUEN DỰA DẪM?

“Bé nhà tôi chẳng thể tự mình làm được điều gì mà không có tôi cả! Tôi còn phải đi làm nên không thể nào cũng ở bên cạnh con được. Tôi lo lắm.”

 Có nhiều bậc bố mẹ lo lắng, buồn phiền vì con họ thiếu tính độc lập và tự chủ. Tuy nhiên, sự lệ thuộc của bé vào người khác không phải do tính cách bẩm sinh mà bắt nguồn từ môi trường sinh hoạt của bé.

Lý do bé trở nên phụ thuộc

Sau giai đoạn 1 tuổi, bé bắt đầu hình thành cái tôi và dần phát sinh thêm nhiều điều bé muốn tự làm một mình. Tính tự lập của bé được hình thành trong giai đoạn này dựa trên sự tự tin và thái độ tích cực. Tuy nhiên, nếu bố mẹ bảo vệ bé quá mức hay áp đặt bé theo ý muốn của mình, bé sẽ không thể hình thành được cái tôi riêng và trở thành một đứa trẻ phụ thuộc. Các bậc phụ huynh có xu hướng che chở cho con, cứ thấy con tự làm là lại bất an và xúm vào giúp đỡ con. Nếu tình huống như vậy cứ tiếp diễn thì những việc bé có thể tự làm sẽ ngày càng ít đi và sự tự tin trong bé cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nuôi dưỡng tính tự lập cho bé không có nghĩa là các bậc bố mẹ làm ngơ trước những yêu cầu giúp đỡ của bé. Khi bé định tự làm điều gì một mình, bố mẹ hãy ở bên cạnh bé và giúp đỡ khi cần. Điều này cũng giống như khi bố mẹ dõi theo “bước chân đầu đời” của bé và đỡ bé khi cần thiết. Điều tiết được cảm giác muốn nâng niu đứa con bé bỏng, chính là bố mẹ đang tạo điều kiện cho sự tự tin trong con được phát triển và bé sẽ ngày càng tự mình làm được nhiều việc hơn.

Hãy bao dung với lỗi lầm của con cái.

Trẻ nhỏ học được nhiêu bài học qua những lỗi mà chúng mắc phải. Trẻ thực hiện sai và thông qua đó hiểu ra vấn đề rồi lớn khôn. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại quá lo lắng và không thể dằn lòng khi thấy con mắc phải lỗi hoặc gặp khó khăn. Vậy là, họ không cho con cái có cơ hội mắc lỗi và tự ngộ ra.

Nếu các bậc bố mẹ mong cho con mình trở nên độc lập và có khả năng tự chủ cao, hãy ở bên cạnh dõi theo quá trình bé tự trải nghiệm và hiểu ra vấn đề, tạo điều kiện cho bé có thể rút ra kinh nghiệm từ lỗi lầm đã mắc phải. Nếu bố mẹ đựa tay ra nâng đỡ bé, hãy đảm bảo rằng đó là cái nắm tay ấm áp chứa đựng cả trí tuệ trong đó. Tuy nhiên, trách mắng hay can thiệp vào khi bé đang tự làm không phải là giúp đỡ bé đâu.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, mẹ hãy tạo ra nhiều cơ hội cho bé lựa chọn, quyết định hơn là áp đặt. Bên cạnh đó, hãy để bé tự thực hiện lựa chọn của mình trong phạm vi không gây tổn thương đến bé và cho bé chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình.

(Shin Yee Jin – Bách khoa tâm lý cho trẻ)