Bà mẹ nào cũng sẽ rất lo lắng khi con đã hơn 2 tuổi mà vẫn chưa phân biệt được đại tiện và tiểu tiện. Tuy nhiên, sau khi khám, hầu hết các trường hợp là bé không có gì bị bất thường cả. Vậy tại sao mẹ lại nghĩ bé có vấn đề rất nghiêm trọng?

Phân biệt được thế nào là đại tiện có nghĩa là bé đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Nếu biết mình đi đại tiện, bé sẽ điều chỉnh hậu môn, biết nhịn và biết rặn. Nói cách khác, bé sẽ tự nhận biết mình đang làm gì, cảm nhận sự thoải mái và cảm giác hoàn thành hay thực hiện xong một việc gì đó. Bên cạnh đó, đây cũng là một mốc đánh dấu tâm lý của trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ cho các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo, rửa tay, sắp xếp đồ dùng trong nhà… Như vậy, có thể thấy việc phân biệt được thế nào là đại tiện có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành sự tin tưởng của bố mẹ nơi bé.

Tập cho bé phân biệt thế nào là đại tiện là nỗi lo lắng chủ yếu của các bậc bố mẹ có con trên 18 tháng tuổi. Thời kỳ bé bắt đầu cần phân biệt về đại tiện là giai đoạn từ 18 đến 30 tháng tuổi nhưng thực tế có sự khác biệt rõ rệt tuỳ theo từng bé. Theo kết quả điều tra xã hội học gần đây, trung bình trẻ em Hàn Quốc đóng bỉm đến 23 tháng tuổi. Con số này của trẻ em ở Đức là 33 tháng, ở Anh là 31 tháng và ở Mỹ là 27 tháng. Chúng ta có thể nghĩ: “Trẻ em Hàn Quốc thật ưu tú và thông minh.”. Tuy nhiên, việc bé nhanh chóng “thoát khỏi” cái bỉm không liên quan đến sự phát triển về trí não của bé. Do đó, mẹ có thể yên tâm rằng bé sau 36 tháng tuổi mới phân biệt được thế nào là đại tiện cũng không phải là vấn đề to tát.

Hối thúc và ép buộc bé là vấn đề lớn nhất!

“Bé hàng xóm đã không mặc bỉm nữa mà bé nhà mình sao lâu vậy nhỉ?”. Mẹ làm ngơ trước sự phát triển khác nhau của các bé và bắt đầu công việc luyện cho con đi đại tiện. Điều này không tốt cho bé một chút nào! Nếu mẹ bắt ép khi bé chưa sẵn sàng thì bé càng cảm thấy áp lực và càng cố từ chối. Be sẽ sợ sệt khi phải ngồi trên bồn cầu, sợ lại gần bồn cầu, cố nhịn và rốt cuộc thành vãi, cảm thấy đau và càng nhịn không rặn, kéo theo những hệ luỵ khác. Bên cạnh đó, nỗi sợ bị mẹ mắng, sự phản kháng, sự căm ghét,… tất cả càng làm gia tăng hành động quá khích và bạo lực ở trẻ.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thấy những tín hiệu chuẩn bị đi đại tiện hay tiểu tiện từ trẻ. Tiến sĩ Sign Spoke của Viện nhi khoa Mỹ đã nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn tập luyện đại, tiểu tiện ở trẻ chính là sự kiên nhẫn của bố mẹ. Sau khi đặt bé ngồi trên bồn cầu, bố mẹ hãy cùng rặn với bé. Khi bé bắt chước tốt, bố mẹ hãy khen ngợi bé. Khi nhìn thấy gương mặt mãn nguyện của bố mẹ, bé cũng sẽ lập tức cảm thấy vui theo, khiến tâm trí bé chỉ tập trung đến việc đi đại tiện, từ đó có thể điều tiết được hoạt động này.

(Bách khoa tâm lý cho trẻ)